Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

CẢM NHẬN MÙA XUÂN 2009

Có những khoảnh khắc của đất trời ghi lại dấu ấn đậm nét trong đời người. Với tôi, chính là khi mùa xuân về - lúc cả gia đình tôi cùng sum họp.
Đất trời lặng lẽ chuyển mình. Gió miền cao trở nên phóng túng. Từng vạt cúc quỳ rực lên trong nắng. Vậy là xuân đang rộn rã về với làng bản quê tôi. Con đường nhỏ quanh co vào bản đang được điểm sắc xuân với từng cành ban trắng vươn lên trong nắng. Tôi trở về nhà vào ngày cuối năm và trải lòng để đón nhận hương sắc mùa xuân quê hương sau những ngày đi xa. Mùa xuân quê tôi thật dung dị. Chẳng đèn hoa rực rỡ, chẳng tiếng nhạc rộn rã, xập xình, chỉ tinh khiết với màu trắng hoa ban, đằm thắm với sắc vàng cúc quỳ, nhưng xuân vẫn khiến lòng người phải rạo rực. Tôi bắt gặp xuân trong những giai điệu phóng khoáng, du dương, mộc mạc mà đằm thắm của những thiếu nữ Bana đang gùi nước bên suối. Tất cả quyện vào thanh âm của núi rừng, vào khí xuân của đất trời khiến xuân quê tôi có những nét riêng biệt tuyệt vời.
Trên con đường về bản, tôi thấy sức xuân ngập tràn khắp không gian - xuân trườn mình trên dòng suối trong xanh; xuân đậu trên những gùi nước của những thiếu nữ Bana và rạng ngời trên gương mặt của dòng người hối hả đi sắm tết. Thường nh?ng ngày cận tết, quê tôi có mở một phiên chợ nhỏ. Chợ không bán gì nhiều, nhưng phục vụ đủ các mặt hàng ngày tết, nào thịt, cá, rau, quả… rồi các loại quần áo, đồ dùng cần thiết cho tết. Đặc biệt, chợ quê tôi còn có mai rừng và rượu cần. Mai mới chặt về được mang ngay ra chợ bán. Mai rừng khác với mai trồng trong vườn là dáng thế rất tự nhiên, bông nhiều cánh và cành nhiều búp. Vì vậy, rất nhiều người chơi mai không chỉ ở vùng tôi mà nhiều nơi khác cũng tập trung về mua. Còn rượu cần, đó là một phong tục riêng rất đẹp của toàn vùng. Theo quan niệm của các đồng bào dân tộc nơi đây, ngày tết uống rượu cần là thể hiện sự sum họp, đầm ấm. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, nét văn hoá này dần được lan truyền và nhiều gia đình kể cả gia đình người Kinh ở đây cũng xem đó như một phong tục của dân tộc mình vậy. Và tôi tin nếu bạn đến quê tôi, thưởng thức rượu cần bên ngọn lửa bập bùng giữa rừng núi hoang dã trong những ngày xuân này thì hẳn đó sẽ là một kỉ niệm khó phai mờ.
Nơi tôi ở là môït bản làng xa xôi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, tết ở đây mang đậm hơi thở của núi rừng tự nhiên và đa sắc màu. Người Ba na, Jơ rai thì chuẩn bị cồng chiêng; người Kinh thì tất bật chuẩn bị mổ lợn, gói bánh chưng; người Mường, người Tày cũng góp thêm những nét riêng về cái tết của dân tộc mình. Tất cả hoà quyện vào nhau càng làm cho lòng người thêm ấm áp và háo hức. Sáng ba mươi, gia đình tôi quây quần bên thúng gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ cùng gói bánh chưng. Lá dong gói bánh thường có sẵn trong vườn. Từng tàu lá xanh thẫm, rộng bản được cắt vào rửa sạch, lau khô rồi nhanh chóng được gói thành những chiếc bánh vuông vắn, tươi xanh . Công đoạn luộc bánh cũng thật công phu. Bánh phải luộc trong nồi to, từ 12 đến 14 giờ đồng hồ. Bánh luộc được luộc chín rồi nhưng chưa hẳn là đã xong. Chúng phải được nhấc ra ép, chèn mạnh cho dền. Nhiều gia đình ở đây còn nấu bánh sớm rồi mang ra chợ tết bán. Các gia đình người dân tộc thiểu số mua bánh và họ vui vẻ học cách làm bánh từ những người bán hàng vui tính. Như vậy, chợ tết đã trở thành nơi để giao lưu văn hoá, thắt chặt tình cảm giữa các đồng bào dân tộc Việt Nam.
Tết không chỉ mang lại sức sống cho vạn vật, sưởi ấm lòng người. Nó còn là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ, kết thúc một chu kì, mở ra một tương lai mới. Tết đến, xuân về cho ta cơ hội để nhìn nhận đánh giá lại những gì đã qua và chuẩn bị cho những cái sắp đến. Năm vừa rồi quả không dễ dàng gì với mỗi gia đình Việt Nam , đất nước Việt Nam và toàn thế giới. Dưới ảnh hưởng của cơn bão lạm phát và cuộc khủng hoảng kinh tế, chỉ xét ở phạm vi bản làng tôi, thực sự đời sống của mọi người gặp quá nhiều vất vả, khó khăn. Nhìn nhận sơ qua về cái tết năm nay cũng đủ để nhận định về điều đó. Tôi nghĩ rằng không chỉ ở quê tôi mà chắc là nhiều địa phương khác hẳn cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng, đất nước ta đã rất nỗ lực để đứng vững trước những biến động của kinh tế thế giới. Hướng về năm mới Kỷ Sửu, tôi luôn tin tưởng, lạc quan về một sự đổi mới tích cực của đất nước, của đời sống mọi gia đình Việt Nam và rộng hơn là toàn thế giới.
Ôi! Tôi đang nghe trong nắng, trong gió, trong ngọn lửa bập bùng của núi rừng cao nguyên sự ngọt ngào, đằm thắm của mùa xuân. Nhẹ nhàng và thong thả từng bước chân xuân đang đến gần hơn với làng bản. Nó đã để lại trong tôi bao kỉ niệm,niềm yêu thương tha thiết. Sau này dù có đi xa, ta sẽ mãi không quên những mùa xuân cao nguyên đầy thơ, tình và lửa.
Nguyễn Phước Thiều Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét