TRAO ĐỔI VỀ VIỆC VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM TRONG NHÀ TRƯỜNG
Viết SKKN là việc làm tất yếu đối với các nhà giáo. Song thực tế, việc làm này ở nhiều trường học chưa được chú trọng. Trước hết là ở người quản lí giáo dục chưa có những đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu giáo dục. Bên cạnh là sự e ngại của đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn ít có điều kiện nghiên cứu. Giáo viên thường cảm thấy viết SKKN là việc làm bắt buộc hàng năm để hoàn thành nhiệm vụ năm học nên họ không có sự đầu tư. Đến kì xét thi đua có thể đi coppy của bạn bè, chắp vá bài viết của nhiều người; hoặc chỉ làm để đối phó, chiếu lệ. Cũng có trường hợp GV có được sáng kiến hay nhưng không biết cách trình bày. Họ thường gặp khó khăn trong khi viết nên cảm thấy đây là một công việc nặng nề. Nhiều giáo viên ở vùng sâu rất lúng túng khi trình bày một sáng kiến vì không nắm được bố cục trình bày; không hiểu được những hướng dẫn chung chung của hiệu trưởng.
Trước thực tế đó, chúng ta cần có những giải pháp hợp lí làm thế nào để việc viết SKKN và áp dụng SKKN trở thành mối quan tâm chung của người quản lí giáo dục và giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường?
Tôi xin đưa ra một số suy nghĩ như sau:
Hiệu trưởng cần có kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bồi dưỡng năng lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới ra trường. Việc tạo cơ hội học tập phải được xác định sau khi hiệu trưởng nắm bắt được nhu cầu cần thiết của giáo viên thông qua việc dự giờ thăm lớp và trò chuyện với giáo viên. Hiệu trưởng phải giúp cho giáo viên được tham gia đầy đủ và có hiệu quả các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề. Ngoài ra còn tạo điều kiện để giáo viên được học tập thêm từ những đồng nghiệp có kinh nghiệm. hoặc hiệu trưởng có kế hoạch cung cấp những thông tin tài liệu mang tính giáo dục truyền thống hay những điều mới mẻ giúp giáo viên có thể khai thác các thông tin liên quan khi viết SKKN. Cần tổ chức các chuyên đề nhằm trang bị cho giáo viên một số kiến thức về lí luận, về mục tiêu nghiên cứu giáo dục.
Nếu giáo viên còn tỏ ra lúng túng khi viết SKKN, hiệu trưởng có thể định hướng những vấn đề cụ thể (có thể bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, đơn giản) mà giáo viên cần thiết giải quyết trong một tiết học hay trong buổi sinh hoạt lớp … Đối với những giáo viên mới, cần quan tâm chỉ ra cho họ phương pháp làm các báo cáo sư phạm, cách làm một đề tài, cách viết một sáng kiến hay tổng kết kinh nghiệm.
Thường xuyên tìm cơ hội để được trao đổi với giáo viên về các vấn đề giáo dục. Từ việc trao đổi đó, chúng ta cùng tìm ra hướng quan tâm chung về các vấn đề giáo dục trong nhà trường. Đồng thời, trong quá trình trao đổi hiệu trưởng nên biết khích lệ động viên GV kịp thời khi họ tìm ra một vấn đề nào đó. Trong các cuộc trò chuyện HT nêu một số ý tưởng trong công tác giáo dục để kích thích sự tò mò khám phá của giáo viên. Niềm say mê có thể được khơi dậy từ những cuộc trò chuyện, từ những việc cùng nhau tranh luận về một đề tài. Hiệu trưởng phải làm cho giáo viên thấy cái lợi của việc tìm hiểu và nghiên cứu thông qua các báo cáo sư phạm, các đề xuất ý kiến hay một SKKN.
Và một việc hết sức quan trọng là HT trưởng phải làm cho GV hiểu được giá trị của SKKN. Đó là muốn đi đến thành công trong quá trình giảng dạy và giáo dục thì mỗi nhà giáo phải biết tìm tòi, nghiên cứu đưa ra các biện pháp giáo dục tốt phù hợp với điều kiện thực tế. Con đường đấy chính là việc viết sáng kiến, tổng kết các kinh nghiệm và áp dụng chúng vào thực tiễn.
Nếu chúng ta đầu tư thích hợp; xác định đúng mục đích, giá trị của SKKN và trong quá trình thực hiện có đánh giá tổng kết, rút ra bài học cụ thể; thì SKKN thực sự đem lại những kết quả tốt cho công tác giảng dạy và quản lí giáo dục.
Cao Thị Kiều Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét